Mình đã dành ra một ngày hôm nay để lướt các group về laptop công nghệ. Mình thấy chiếm phần lớn là câu hỏi dạng “Với ngân sách xxx thì chọn laptop nào?” Xin chia sẻ kinh nghiệm mua laptop cá nhân, hy vọng sẽ có ích với các bạn.
1. Đầu tiên là giá thành
Giá thành của laptop mình chia ra 3 phân khúc mà người cần đọc bài này cần nắm là:
– Giá rẻ (loanh quanh từ 10 – 15 triệu)
– Trung bình (15 – 25 triệu)
– Cao (25 – 35 triệu)
Còn những máy giá trên 35 triệu thường sẽ là phân khúc cao cấp, cấu hình tùy chọn cao, laptop workstation cấu hình khủng… Chút mình đề cập đến lý do vì sao mà giá hãng này lại thấp hơn hãng kia tuy cấu hình mạnh hơn nhé.
Về giá thành của laptop cũng quyết định sức mạnh lẫn độ bền (độ bền của các phần như RAM, SSD, GPU, build ngoài, bàn phím…)

Với kinh nghiệm mua laptop của mình, mức giá tầm 10 – 15 triệu thì các mẫu laptop hiện tại đa phần sẽ chip U thế hệ 8 i3 hoặc i5, ram tầm 8GB và SSD là 128 (có một số máy sử dụng HDD, mà mình khuyên các bạn giờ chọn SSD rồi dùng Cloud hay ổ cứng ngoài lưu trữ, dùng HDD chỉ mất công chửi thề). Nhìn vào cấu hình thì các máy này chủ yếu dành cho các bạn học sinh, sinh viên (ngành kinh tế, không freelancer, không multimedia…), các thầy cô giáo soạn bài, lướt web, check tin nhắn bán hàng onl… là hợp lý. Với giá này các bạn tham khảo các dòng giá rẻ của ASUS Vivo, Acer Aspire để có cấu hình cao, nếu muốn bền chút thì kiếm hàng cũ của Dell Latitude, HP Pavilion hay Thinkpad chứ mua máy mới của Dell giá này dùng rất chán.
Tiếp theo là tầm giá trung bình từ 15 – 25 triệu. Tầm này thì cấu hình tốt hơn rồi, build cũng có vỏ kim loại. Với tầm giá này thì nhiều bạn thắc mắc và khó lựa chọn nhất vì nó nhiều thương hiệu, mỗi thương hiệu là nhiều dòng sản phẩm, mỗi dòng lại lòi ra nhiều mã. Với cái phân khúc này, các bạn có thể chọn laptop cũ cấu hình cao thuộc hàng flagship các thương hiệu lớn như Dell XPS, Thinkpad dòng X, HP dòng Spectre, MSI hay là MacBook (đời 2018 – 2019 giờ còn có 25 triệu bản base). Nếu hàng mới thì Acer Aspire Nitro, Asus Tuf ZenBook, Dell Inspiron, HP Envy, Thinkpad T… Tầm giá này thì các công việc multimedia như edit video, chỉnh sửa hình ảnh mức cơ bản (cơ bản là video 4K tầm 2 – 3 phút, edit ảnh trên Canva, Photoshop thì blend ít màu, tầm 20 – 30 layer…), con nào gaming thì chơi game và làm việc cũng được. Nếu xác định làm chuyên về đồ họa thì 1 là mua máy cũ, 2 là build PC chứ đừng ham mấy con gaming về mà làm chuyên đồ họa, card GTX nó làm 3D cùi lắm.

Ok tiếp theo là tầm giá cao hơn từ 25 – 35 triệu. Trong tầm này các dòng laptop doanh nhân, laptop gaming, laptop đồ họa bạn cần xác định rõ nhu cầu của mình. Làm cái gì mua cái đó, đừng mang con XPS ra để edit video hay chơi game, đừng mang con HP Zbook với Quadro ra cày game FPS. Xác định rõ thì chọn brand chọn mã cho dễ. Mình tư vấn mấy case trường hợp các bạn vẫn muốn một chiếc laptop có thể làm đủ thứ từ game đến đồ họa và giá phải rẻ. Theo kinh nghiệm mua laptop của mình thì không thể.
Đi qua về giá thì mình nghĩ bạn nào đọc cũng nắm được là xác định ngân sách rồi thì nên làm gì.
2. Nhu cầu sử dụng
Cái thứ 2 chính là xác định rõ nhu cầu và sử dụng máy trong bao lâu. Cái này thường các bạn sinh viên chưa có kinh nghiệm mua laptop hay mắc phải. Sinh viên thì thích giải trí lại sử dụng lâu được tầm 4 – 6 năm đại học nhưng vẫn muốn nó phục vụ được quá trình học tập. Điều này thực sự khó, nhưng bạn chấp nhận bỏ đi một cái thì có thể được. Và mình muốn nhấn mạnh là laptop gaming dùng card đồ họa cho chơi game, đừng dùng nó để render video, làm 3D. Tuy nhiên nếu làm việc trên Web, Office, phần mềm thông dụng thì laptop gaming ổn áp nhé. Và các laptop dù đắt tiền đến đâu cũng có nhược điểm, bạn phải chấp nhận nó chứ không có máy nào tốt hết đâu.

3. Cấu hình
Cái thứ 3 là cấu hình. Đa số giờ các máy đều có mức cấu hình tựa tựa nhau chỉ khác nhau là nhà sản xuất phần cứng đó, build như thế nào. Theo kinh nghiệm mua laptop, giá thành laptop giảm thường 3 yếu tố: thương hiệu, build tốt hay không (kim loại hay nhựa, bản lề, bàn phím…), phần cứng (màn hình sử dụng tấm nền nào, ai sản xuất, RAM với SSD của ai sản xuất…). À chọn cấu hình thì các bạn cần chú ý về CPU nhé, mình chắc sẽ viết thêm một bài dành cho cách chọn CPU năm 2021.
Tóm gọn lại là nếu muốn mua laptop thì cần xác định lần lượt theo thứ tự: Nhu cầu (đừng tham lam) => Cấu hình => Brand => Mã sản phẩm => Xem review Youtube mấy kênh không PR quảng cáo, nước ngoài càng tốt. Chấp nhận rằng laptop nào cũng sẽ có lỗi vặt và của bền tại người. Mấy yếu tố như cân nặng, pin, bàn phím… này nọ xét sau cũng được.
Bài viết dựa trên kinh nghiệm tư vấn và trải nghiệm một số dòng sản phẩm.
Nguồn: Thành Đạt